Giáo dục địa phương là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của công tác giáo dục trong nhà trường phổ thông, đặc biệt là đối với bộ môn Lịch sử, môn học gắn với tiến trình phát triển của đất nước, của thế giới, mang lại cho các em học sinh những hiểu biết về quá khứ, để nhìn nhận hiện tại và hướng đến tương lai. Vì vậy, công tác dạy học tích hợp lịch sử địa phương càng có ý nghĩa quan trọng đối với học sinh.
Ảnh học sinh khối 10 Trường THPT Liên Chiểu tham quan Bảo tàng Đà Nẵng
Hiểu biết quá khứ để trân trọng và tự hào, đó chính là đôi cánh chắp cho những ước mơ của các em bay vào tương lai, cũng chính là sợi dây vô hình níu giữ các em với quê hương, với nguồn cội, tạo cho các em động lực để phấn đấu học tập xứng đáng là con em của quê hương Đà Nẵng.
Hiện nay, thế hệ trẻ được tiếp xúc rất nhiều với công nghệ thông tin, vì thế các em sa vào các trò chơi điện tử, facebook khiến cho các em lơ là với lịch sử của đất nước, của quê hương. Phim ảnh, sách báo cũng đã đề cập quá nhiều về lịch sử của các nước khác trong khi những bộ phim lịch sử và dã sử của Việt Nam đã ít lại không hấp dẫn thế hệ trẻ. Vì vậy trách nhiệm của những giáo viên dạy sử lại càng nặng nề hơn khi phải truyền cảm hứng học sử và đam mê cho các em. Thực hiện chương trình giáo dục của Sở giáo dục và Đào tạo, trường THPT Liên Chiểu đã tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khóa tham quan Bảo tàng Đà Nẵng với chủ đề Đà Nẵng trong quá khứ và chủ quyền đối với Hoàng Sa.
Học sinh Trường THPT Liên Chiêu đang nghe thuyết minh
Tại đây học sinh đã được các hướng dẫn viên giới thiệu hết sức chi tiết về lịch sử hình thành của Đà Nẵng về địa chất địa mạo những tài nguyên thiên nhiên của thành phố. Điều đặc biệt là học sinh được tiếp cận với những tài liệu và bằng chứng thuyết phục về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa một vùng lãnh thổ thiêng liêng của đất nước thuộc địa giới hành chính của Đà Nẵng quê hương mà các em đang sống.