DIỄN BIẾN TÂM LÍ VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍ TỪ KHI GẶP THỊ NỞ

Viết về nông dân bị lưu manh hóa, với tư cách là cây bút hiện thực nghiêm ngặt, Nam Cao đã thể hiện một cái nhìn nhân đạo, bằng cách đi sâu vào nội tâm nhân vật để phát hiện và khẳng định bản chất lương thiện của những con người khốn khổ, ngay khi tưởng như họ đã bị xã hội cướp mất cả hình người và tính người.

Cứ tưởng Chí Phèo mãi sống kiếp thú vật, rồi kết thúc cuộc đời bằng cách vùi xác tại một bờ bụi nào đó. Nhưng bằng tài năng và nhất là bằng trái tim nhân đạo của một nhà văn lớn, Nam Cao đã để cho Chí Phèo trở về sống kiếp người một cách tự nhiên.

Một bước ngoặt lớn đã diễn ra trong cuộc đời Chí (đây là bước ngoặt quan trọng thứ hai trong cuộc đời Chí, sau sự kiện đi tù), đó là cuộc gặp gỡ với thị Nở và trận ốm để được thị Nở chăm sóc. Chính sự quan tâm, chăm sóc của thị Nở đã giúp Chí Phèo cởi bỏ cái lớp vỏ quỹ dữ khát khao hoàn lương, làm người lương thiện trong cuộc đời bằng phẳng của những người nông dân bình thường.

– Diễn biến tâm lí, tình cảm của Chí:

Từ tỉnh rượu tới tỉnh ngộ:

+ Bắt đầu là tỉnh rượu: Cứ tưởng cuộc đời Chí chìm trong những cơn say và những lần đập phá, ăn vạ. Nhưng không, đây là lần đầu tiên Chí Phèo hết say, hoàn toàn tỉnh táo. Trong giây phút tỉnh táo ấy, Chí Phèo sống lại với những năng lực thực sự của con người: năng lực cảm xúc và năng lực ý thức. Lần đầu tiên tỉnh rượu Chí thấy “miệng đắng, lòng mơ hồ buồn, người bủn rủn, tay chân không nhấc được”. Lần đầu tiên Chí nhận thức về không gian sống của mình “ở đây người ta thấy chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi bên ngoài vẫn sáng”. Lần đầu tiên Chí nhận thức cuộc sống diễn ra xung quanh mình với những âm thanh quen thuộc hàng ngày “tiếng chim hót, tiếng gõ mái chèo đuổi cá, tiếng người đi chợ về”. Chí không chỉ nghe thấy mà còn cảm nhận. Cảm xúc “vui vẻ quá” và hình dung, phán đoán cảnh “một người đi bán vải ở Nam Định về”. Lòng Chí “bâng khuâng”, Chí tự nhận thức được tâm trạng của chính mình, thấy lòng mơ hồ buồn. Những âm thanh Chí nghe được ấy trở thành tiếng gọi của cuộc sống, đánh thức mọi giác quan, cảm xúc của Chí để anh thấy tự trong lòng mình cảm giác “chao ơi là buồn”.

+ Sau đấy là tỉnh ngộ. Khi tỉnh táo, lần đầu tiên Chí có ý thức về sự tồn tại của cá nhân mình. Chí nhìn lại cuộc đời mình cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Trước hết, Chí “nao nao buồn” nhớ về những ngày rất xa xôi, nhớ lại một thời hắn đã từng mơ ước có một gia đình nho nhỏ. Đấy là quá khứ, còn hiện tại? Chí băn khoăn, mơ hồ tự vấn về tuổi tác, thấy hiện tại của mình thật đáng buồn bởi “già mà vẫn còn cô độc”. Chí đã ý thức sâu sắc về thực tại phủ phàng. Hắn thấy đã đến bên kia dốc của cuộc đời, cơ thể thì hư hỏng nhiều. Tương lai đối với Chí còn đáng buồn hơn, không chỉ buồn mà còn lo sợ bởi hắn đã trông thấy trước quá nhiều bất hạnh: tuổi già, đói rét và ốm đau, đáng sợ nhất là cô độc. Sau những ngày sống gần như vô thức, Chí đã tỉnh táo và suy nghĩ về cuộc đời mình.

+ Miêu tả diễn biến tâm trạng của Chí, Nam Cao cho người đọc thấy được những khám phá tinh tế và khả năng phân tích đặc biệt sắc sảo về tâm lí nhân vật. Người đọc cảm nhận được đầy đủ chiều sâu nội tâm nhân vật qua hình thức độc thoại nội tâm và cách trần thuật linh hoạt của tác giả.

+ Như vậy, với sự trở lại của khả năng nhận thức cuộc sống bên ngoài và nhận thức chính mình cùng những tình cảm, cảm xúc rất người, Chí đang thức tỉnh và bắt đầu hồi sinh để trở về kiếp người.

Từ ngạc nhiên, xúc động tới khát khao hoàn lương và mong ước hạnh phúc.

– Đúng lúc Chí đang “vẩn vơ nghĩ mãi” thì thị Nở mang một nồi cháo hành còn nóng nguyên vào. Việc làm này của thị khiến hắn hết sức ngạc nhiên. Rồi từ chỗ ngạc nhiên, Chí thấy “mắt hình như ươn ướt”. Bởi vì một lẽ hết sức đơn giản, đây là lần đầu tiên trong đời hắn không phải giật cướp, dọa nạt, đâm chém mới có cái ăn mà được một người đàn bà cho, “đời hắn chưa bao giờ được chăm sóc bởi tay một người đàn bà”. Đàn bà, trong ý niệm của hắn về bà ba, chỉ đem đến cho hắn sự nhục nhã, đau đớn Nay thì khác, thị Nở không chỉ đem cháo đến cho hắn mà còn “múc ra bát và giục hắn ăn cho nóng”. Hành động chăm sóc đầy tình cảm yêu thương ấy đã khiến Chí ăn năn, bâng khuâng vừa vui vừa buồn, thấy lòng thành trẻ con và muốn làm nũng với thị như với mẹ. Lần đầu tiên Chí cảm nhận được vị ngon của cháo “trời ơi, cháo mới thơm làm sao…”. . Chí không khỏi ngậm ngùi, cay đắng, buồn tủi, xót xa vì mãi đến tận bây giờ hắn mới được nếm mùi cháo. Cái hạnh phúc giản dị, đơn sơ khiến người ta thấy tội nghiệp sao lại đến với Chí muộn màng đến như vậy. Lúc này, hắn hiền lành đến khó tin. Cái bản tính ngày thường bị lấp đi đã trỗi dậy mạnh mẽ. Chí Phèo đã sống đúng với con người thật của mình, trở lại nguyên tính của anh canh điền ngày xưa.

+ Từ xúc động, ăn năn về những việc mình đã làm, Chí hồi tỉnh. Hương thơm của bát cháo hành khiến Chí mong muốn được trở lại làm người hiền lành, lương thiện ở làng Vũ Đại. Cùng với ước mơ cháy bỏng được làm người lương thiện, tận nơi sâu thẳm của Chí dậy lên nỗi khao khát yêu thương, khao khát mái ấm gia đình mà Chí chưa một lần được hưởng. Rồi tỏ tình, rất Chí Phèo, chất phác và giản dị với thị Nở: “hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui”. Trong đoạn văn diễn tả sự hồi sinh của Chí Phèo khi đón nhận bát cháo hành của Thị Nở, chi tiết Chí Phèo khóc có lẽ là chi tiết ấn tượng nhất. Có thể nói, Nam Cao luôn tin vào nước mắt của con người bởi một khi họ khóc có nghĩa là trong người họ vẫn cón chút lương thiện, nó chưa bị hủy hoại hoàn toàn mà vẫn sống âm thầm lặng lẽ.

+ Chi tiết bát cháo hành rất giàu ý nghĩa biểu hiện. Ngoài nghĩa thực, đây còn là chi tiết mang nhiều ý nghĩa tượng trưng. Hương vị cháo hành cũng là hương vị tình yêu hạnh phúc mà lần đầu tiên Chí Phèo được hưởng. Đó là biểu hiện của tình người, là niềm đồng cảm của những số phận cùng khổ tìm đến với nhau đúng với tựa đề đôi lứa xứng đôi. Tình người, sự yêu thương, cái kênh giao tiếp quá bình thường với mọi người nhưng cũng qúa hiếm hoi trong cuộc đời Chí đã có tác động sâu xa đến tâm hồn Chí. Chính thị Nở và bát cháo hành đã đem đến cho Chí cảm giác được sống như một con người. Bát cháo hành không chỉ giúp Chí thoát khỏi cơn ốm sau khi say rượu, hơn thế đó còn là một liều thuốc giải độc để Chí gột rửa tâm hồn quỷ dữ trở về vẻ hiền lành, muốn làm hòa với mọi người, muốn sống cuộc đời lương thiện. Đây chính là đỉnh cao của sự hồi tỉnh nhân tính ở Chí. Thực ra, Chí đã phần nào thấy được thân phận của mình, giờ đây bát cháo hành của thị Nở là chất xúc tác làm cho những khát vọng trong Chí bừng dậy.

+ Lương thiện, khát khao hạnh phúc là bản tính tự nhiên, tốt đẹp và mạnh mẽ của con người, không thế lực tàn bạo nào hủy diệt được. Ngay cả khi con người bị tha hóa, bị đẩy vào con đường lưu manh thì cái bản tính ấy chỉ tạm thời chìm xuống chứ không biến mất, để đến khi gặp được cơ hội sẽ bùng cháy thật mãnh liệt.

+ Đặc sắc và đáng quý ở Nam Cao là khi miêu tả nhân vật bị tha hóa đến tột cùng, ông vẫn phát hiện ra phần tốt đẹp, lương thiện vốn có, bị ách áp bức tàn khốc vùi lấp, chỉ cần một chút tình thương chạm khẽ vào là có thể sống dậy mãnh liệt, tha thiết. Sự xuất hiện của nhân vật thị Nở có một ý nghĩa sâu sắc. Người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn ấy (trái ngược hoàn toàn với cái đẹp – hủy diệt của bà ba nhà bá Kiến) là nguồn sáng duy nhất chiếu rọi vào cõi sâu tăm tối của Chí Phèo, thức tỉnh, gợi dậy bản tính người ở Chí Phèo, làm sống dậy nhịp đập của con tim qua bao tháng ngày bị bóp nghẹt, bị hắt hủi. Chính tình yêu và tình thương sẽ giảm bớt hận thù, gìn giữ và nuôi dưỡng nhân tính, thậm chí có sức mạnh cảm hóa con người. Từ đây, nhà văn chuyển đến thông điệp: hãy tin vào con người, tin vào bản chất tốt đẹp của mỗi người, hãy xây đắp phần người tốt đẹp trong mỗi cá nhân ngày càng bền vững và mạnh mẽ.

+ Nhân vật thị Nở có vai trò quan trọng trong việc bộc lộ chủ đề tư tưởng của tác phẩm: Dù cho có đánh mất cả hình người, tính người thì bản chất tốt đẹp, cái phần thiện trong con người cũng không bao giờ mất đi mà chỉ cần có một tác nhân khơi dậy, thức tỉnh. Đối với Chí Phèo, thị Nở vừa là nhân tố đánh thức, vừa là hiện thân của khát khao hạnh phúc, vừa là người mở đường cho Chí trở về với cuộc sống bằng phẳng của những người lương thiện. Như vậy, không chỉ dừng lại ở việc tả “cái bề ngoài của xã hội”, của cuộc sống con người, Nam Cao đã đi sâu vào nội tâm nhân vật. Với những trang văn sống động mà chân thực, Nam Cao đã đưa chủ nghĩa hiện thực Việt Nam lên đến trình độ mới, hội nhập với quốc tế: từ chủ nghĩa tả chân lên đến chủ nghĩa hiện thực tâm lí. Không chỉ bộc lộ cảm quan hiện thực sâu sắc, đoạn văn còn thấm đượm tình cảm cao đẹp, tiến bộ của Nam Cao.

– Cũng viết về nỗi thống khổ và phẩm chất tốt đẹp của người nông dân trước cách mạng, Nam Cao không viết về sưu cao thuế nặng mà viết về nỗi đau bị chà đạp nhân phẩm, bị hủy hoại nhân hình, hơn nữa, bằng cách đi sâu vào nội tâm nhân vật nhà văn còn phát hiện, khẳng định bản chất lương thiện của họ.

Giáo viên: Lê Thị Bình