CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN TRƯỜNG THPT LIÊN CHIỂU TÌM HIỂU DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA TP. ĐÀ NẴNG

             Nhằm tuyên truyền và đẩy mạnh các hoạt động “Tìm về di tích lịch sử, văn hóa của thành phố Đà Nẵng”, giáo dục truyền thống cách mạng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, Công đoàn trường THPT Liên Chiểu đã tổ chức buổi thăm quan các di tích văn hóa, lịch sử trong địa bàn thành phố Đà Nẵng cho cán bộ Công đoàn của nhà trường.

              Vào lúc 14 giờ ngày 31/3/32017, các cán bộ công đoàn trong Ban chấp hành công đoàn khởi hành đến với di tích nhà mẹ Nhu – di tích lịch sử cách mạng gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ, tại quận Thanh Khê (TP. Đà Nẵng)

 

 

           Đây là cơ sở cách mạng trong nội thành, có hầm bí mật trong nhà để nuôi giấu cán bộ, là nơi Mẹ Nhu (tên thật là Lê Thị Dãnh; 1912-1968) hoạt động.

 

Hầm bí mật nhà Mẹ Nhu

               Mẹ Nhu đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân vào năm 1995. Sau năm 1975, di tích Nhà mẹ Nhu vẫn được giữ gìn. Năm 2009 đã được Nhà nước trùng tu, tôn tạo và là nơi trưng bày các tài liệu, hiện vật về cuộc đời cũng như những chiến công oanh liệt của mẹ Nhu và bảy dũng sĩ Thanh Khê. Đây cũng là di tích lịch sử nổi bật của thành phố Đà Nẵng. 

           

Các cán bộ công đoàn dâng hương tại phần mộ của Mẹ Nhu

            Ngoài ra, BCH Công Đoàn còn thăm Miếu Hàm Trung nằm ở Phường Hoà Hiệp Nam, Quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

          Ngoài ra, BCH Công Đoàn còn thăm Miếu Hàm Trung nằm ở Phường Hoà Hiệp Nam, Quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

          Trước đây xung quanh Miếu là khu rừng có nhiều cây cối, đặc biệt trong khu vực Miếu có một cây Dự rất to cao. Do đó nhân dân địa phương còn gọi đây là Miếu Cây Dự.

          Miếu Hàm Trung như ta thấy ngày nay, ban đầu được làm bằng tranh tre. Đến năm Tự Đức thứ 13 (1860) dân làng Xuân Thiều mới đóng góp công sức, tiền của để xây dựng Miếu. Miếu thờ hai Bà mà theo Thần phả ghi là “Hồ ly cửu vĩ tiên nương thần vị tiên” và “Phấn nhĩ quỹ vương tiên nương thần vị tiên”. Đây là hai vị thần bảo trợ cho dân làng. Hàng năm, dân làng đều tổ chức cúng cầu an tại Miếu, cầu mong hai Bà phù hộ cho dân làng yên ổn làm ăn.

             Cũng nằm trên địa bàn phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, Đình làng Xuân Dương là điểm đến tiếp theo mà Công Đoàn trường THPT Liên Chiểu lựa chọn để tham quan, tìm hiểu.

              Đình làng Xuân Dương đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố với 2 tiêu chí: nghệ thuật kiến trúc và lịch sử cách mạng.

              Về mặt kiến trúc, nhìn trong tổng thể các ngôi đình hiện tồn tại trong thành phố, đình Xuân Dương là một trong số ít những di tích còn giữ được những nét đẹp trong việc trang trí, chạm khắc trên chất liệu gỗ. Đặc biệt, nghệ thuật chạm khắc trên các vì kèo thể hiện tài năng và sự khéo léo, tài hoa của nghệ nhân điêu khắc.

               Đình làng là một biểu tượng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống làng xã người Việt. Vì vậy, việc gìn giữ giá trị văn hóa đình làng cũng chính là để kế thừa, phát huy dòng chảy văn hóa dân tộc.

              Đình làng Xuân Dương là điểm dừng chân cuối cùng trong buổi chiều tham quan các di tích lịch sử, văn hóa của các cán bộ Công đoàn trường THPT Liên Chiểu. Chuyến đi đã để lại cho công đoàn viên nhiều cảm xúc: bồi hồi, xúc động, tự hào khi hồi tưởng về chiến tích lịch sử gắn liền các địa danh. Từ đó, biết trân trọng, tôn kính hơn những di tích mang đậm tính văn hóa đẹp đẽ của dân tộc Việt.

            Thành quả của chuyến tham quan này mang lại cho các công đoàn viên chính là mở rộng tầm hiểu biết về lịch sử, văn hóa của thành phố Đà Nẵng nói riêng và dân tộc Việt nói chung; ý nghĩa, giá trị lớn lao của các di tích lịch sử, văn hóa đối với đời sống tinh thần của con người. Đó là điều đáng quý biết bao! Do đó, tất cả chúng ta cần chung tay giữ gìn và phát huy các nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Anh Đào